Tay chân miệng được chia làm 4 độ, từ độ 1 đến độ 4. Đa phần tay chân miệng là độ 1, nhưng các độ 2,3,4 cũng rất nhiều. Độ càng cao thì càng nguy hiểm và có thể để lại hậu quả nặng, rất nặng. Tùy biểu hiện lâm sàng của bệnh mà bác sĩ khám, phân độ và có chỉ định điều trị phù hợp.
Độ nào thì điều trị phù hợp theo độ đó. Độ nặng thì sẽ được điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu Nhi. Vậy nên, ba mẹ cần hiểu đúng về bệnh tay chân miệng.
10 điều cần biết về bệnh tay chân miệng
1. Bệnh Tay Chân Miệng là bệnh do virus gây ra. Bệnh biểu hiện chính ở tay, chân, miệng nên được gọi là bệnh Tay Chân Miệng.
2. Có rất nhiều loại virus có thể gây bệnh Tay Chân Miệng. Bị lần này có thể do virus này, lần khác có thể do virus khác. Thế nên bệnh Tay Chân Miệng có thể bị lại, thậm chí bị 2 lần trong cùng 1 mùa.
3. Bệnh TCM biểu hiện điển hình mọc ban ở quanh miệng, trong niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, khe mông. Có thể mọc hết ở các vị trí trên, cũng có thể mọc không hết.
4. Chẩn đoán bệnh bằng việc KHÁM mà chủ yếu là NHÌN. Thế nên có dấu hiệu nghi ngờ thì cho con ĐI KHÁM. Không nên CHẮC LÀ, HÌNH NHƯ. Càng không nên chụp ảnh rồi inbox bác sĩ ơi, con em bị thế này là gì thế?
5. Không có thuốc điều trị bệnh (không có thuốc tiêu diệt virus gây ra bệnh). Chỉ có thuốc điều trị triệu chứng và biến chứng (virus này gây tổn thương đến đâu thì điều trị đến đấy). Việc của bác sĩ là giữ cho bệnh nhân an toàn qua thời gian gây bệnh của virus (đối với TCM độ nặng, gây biến chứng nặng là rất khó khăn). Bệnh TCM qua được độ 7 ngày mà không có biến chứng thì coi như tự khỏi. Việc đi khám đơn giản là:
- Xác định có phải bị TCM không?
- Độ mấy, ngày thứ mấy của bệnh?
- Điều trị triệu chứng: Có triệu chứng gì thì điều trị triệu chứng đấy.
- Xác định có biến chứng chưa. Nếu có thì vào viện điều trị. Biến chứng của TCM có thể rất nặng. Nặng nhất là tử vong.
6. Tuy có nhiều virus gây bệnh, nhưng chỉ 1 số nhóm virus có nhiều khả năng gây bệnh nặng. Hiện tại các bệnh viện triển khai xét nghiệm test EV71. EV71 là con virus gây bệnh TCM mà hay gây biến chứng nặng. EV71(+) có nghĩa là con bạn bị bệnh TCM do con virus EV71 gây ra, cần cẩn thận. EV71(-) có nghĩa là con bạn bị bệnh TCM nhưng do con virus khác (chả biết con gì) gây ra, vẫn cần cẩn thận!
7. Cần cẩn thận cái gì?
Theo dõi biến chứng của TCM, lời khuyên của Bác sỹ là theo dõi các triệu chứng sau:
+ Sốt cao > 39oC
+ Quấy khóc nhiều.
+ Ngủ thấy có giật mình.
+ Cầm nắm đồ vật thấy run run hơn bình thường.
Thấy mấy dấu hiệu này thì ngay lập tức đưa trẻ đến khám lại ngay.
8. Bệnh TCM lây từ người này sang người kia theo 2 đường chính:
- Đường nước bọt: trẻ này bị TCM chơi với trẻ kia, trong khi giao tiếp đùa nghịch bắn nước bọt vào nhau, thế là lây nhau.
- Đường phân – miệng: Trẻ này bị TCM chơi với trẻ kia, bạn này ị ra, rây vào đồ chơi, bạn kia cầm vào rồi tay cho vào miệng. Thế là lây.
9. Thời gian ủ bệnh trong vòng 4-6 ngày. Hôm nay bạn thấy con bạn có triệu chứng. Có nghĩa độ 1 tuần trở lại đây, con bạn có tiếp xúc với nguồn bệnh.
10. Thời gian bị bệnh thông thường là 7 ngày. Có thể nhanh khỏi hơn, có thể lâu khỏi hơn. Nếu con bạn được chẩn đoán TCM độ 1 ngày thứ 3. Có nghĩa là bạn cần theo dõi con 4 ngày nữa. Nếu không thấy dấu hiệu của biến chứng nêu trên thì gia đình bạn có thể yên tâm.
Cách điều trị bệnh chân tay miệng ở trẻ em
Do hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bênh tay chân miệng nên mục tiêu điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và các biện pháp điều trị tích cực để duy trì chức năng sống đối với những trường hợp nặng, đặc biệt khi có suy tuần hoàn, suy hô hấp:
- Hạ nhiệt: Khi trẻ bị sốt cao từ 38,5 độ C trở lên, cần cho trẻ sử dụng ngay thuốc hạ nhiệt acetaminophen (paracetamol);
- Bù đủ nước và điện giải: Cho trẻ uống dung dịch điện giải (oresol, hydrite);
- Đối với trẻ có sốt và loét miệng, cần bổ sung vitamin C, kẽm...
- Điều trị loét miệng, loét họng: Lau sạch miệng trước và sau ăn bằng dung dịch glycerin borat. Các loại gel rơ miệng có tác dụng sát khuẩn và giảm đau, giải quyết tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn.
- Khi phát hiện triệu chứng não – màng não: Cần dùng thuốc chống co giật và chuyển lên tuyến trên để điều trị chuyên sâu.
Theo dõi kỹ các dấu hiệu lâm sàng chưa có nguy cơ từ 1 - 2 ngày hoặc sau 1 tuần khi bé bắt đầu hồi phục. Nếu trẻ có các dấu hiệu nặng hơn hoặc những triệu chứng bất thường, cần đưa trẻ tới viện ngay.
Chăm sóc và dinh dưỡng cho trẻ bị tay chân miệng
Chế độ chăm sóc và dinh dưỡng cho trẻ bị bệnh tay chân miệng cần được lưu ý:
- Cần cho bệnh nhi dùng các loại thức ăn mềm, lỏng mà thường ngày trẻ ưa thích
- Hạn chế thức ăn cứng, cay, nóng, dễ gây kích thích
- Khi cho trẻ ăn, nên cẩn thận không đụng chạm đến các vết loét trong miệng trẻ vì dễ gây đau, trẻ sẽ sợ hãi không dám ăn
- Để bù nước và điện giải, có thể cho trẻ dùng nước ép hoa quả tươi. Nếu trẻ đang bú mẹ, nên tăng cường số lần và thời lượng bú
- Nếu trẻ lên cơn sốt cao, cần cho trẻ dùng dung dịch oresol, lau mát cho trẻ để hạ nhiệt. Nếu trẻ vẫn sốt cao, có thể dùng thuốc hạ nhiệt paracetamol, song cần chú ý về liều lượng dùng để tránh quá liều, sau đó cần đưa trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt.