IUI (Thụ tinh nhân tạo) và IVF (Thụ tinh trong ống nghiệm) là thuật ngữ về phương pháp hỗ trợ hiếm muộn, vô sinh hiện đại, tiên tiến được áp dụng phổ biến hiện nay. Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa phân biệt được IUI và IVF khác nhau như thế nào và nên chọn phương pháp nào, dẫn đến những quyết định sai lầm khi điều trị vô sinh. Bạn sẽ được giải đáp thắc mắc với bài viết dưới đây.
IUI là gì?
IUI là viết tắt của Intrauterine Insemination, hay còn gọi là thụ tinh nhân tạo. Đây là một kỹ thuật điều trị hiếm muộn có lịch sử lâu đời. Với phương pháp này, việc thụ tinh sẽ diễn ra trong cơ thể người phụ nữ, giống với việc thụ thai tự nhiên.
Quy trình thực hiện IUI khá đơn giản và ít xâm lấn. Bước đầu tiên là bác sĩ tiếp nhận một mẫu tinh dịch của người chồng (hoặc người hiến tặng). Sau đó, tách tinh trùng ra khỏi tinh dịch để thu thập một lượng tinh đáng kể. Tiếp theo, tinh trùng sẽ được bơm trực tiếp vào buồng tử cung của người phụ nữ trong giai đoạn rụng trứng. Điều này giúp rút ngắn khoảng cách mà tinh trùng phải di chuyển nhằm mang lại cơ hội gặp trứng cao hơn.
Ngoài ra, IUI đôi khi được kết hợp với việc dùng thuốc kích thích rụng trứng để tăng thêm khả năng thụ thai.
IVF là gì?
IVF là viết tắt của In Vitro Fertilization, hay còn gọi là thụ tinh trong ống nghiệm. Đây là một kỹ thuật điều trị vô sinh phổ biến hiện nay. Với phương pháp này, trứng được thụ tinh với tinh trùng để tạo thành phôi ở ngoài cơ thể người mẹ, cụ thể là ở phòng labo.
Quy trình thực hiện IVF yêu cầu thêm vài bước nhiều hơn so với IUI. Trước khi làm IVF, phụ nữ được tiêm hormone liều cao để kích thích buồng trứng tạo ra nhiều noãn có trứng. Khi lượng trứng này trưởng thành, bác sĩ sẽ tiến hành hút trứng ra ngoài. Sau đó, số trứng này sẽ được chuyển đến phòng labo để kết hợp với tinh trùng của người chồng (hoặc người hiến tặng). Sau khi các phôi thai hình thành trong điều kiện môi trường nhân tạo thích hợp, bác sĩ sẽ chọn ra phôi tốt nhất để cấy lại vào tử cung của người phụ nữ để mang thai.
IUI và IVF khác nhau như thế nào?
IUI và IVF khác nhau chủ yếu ở nơi diễn ra quá trình thụ tinh và quy trình thực hiện. Nếu như IUI là phương pháp bơm trực tiếp tinh trùng vào buồng tử cung thì IVF lại là phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm bên ngoài cơ thể người phụ nữ. Dưới đây là một số điểm khác biệt giữa kỹ thuật IUI và IVF:
Điểm khác nhau | IUI | IVE |
Nơi diễn ra quá trình thụ tinh | Bên trong buồng tửu cung của phụ nữ. | Bên trong ống nghiệm. Sau khi phôi được hình thành thì đưa vào tử cung phụ nữ. |
Quy trình thực hiện | Nhanh chóng, đơn giản và ít xâm lấn. Lấy mẫu tinh dịch, lọc rửa tinh trùng và bơm vào buồng tử cung. | Phức tạp và nhiều bước hơn. Dùng thuốc kích trứng, chọc hút trứng, thụ tinh trong phòng labo và chuyển phôi. |
Chi phí | Chi phí thấp hơn IVF | Chi phí cao hơn |
Tỷ lệ thành công | Khoảng 15-20% sau 1 chu kỳ. | Khoảng 40-50% sau 1 chu kỳ. |
Nên chọn phương pháp nào giữa IUI và IVF?
Việc chọn IUI hay IVF sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể của cặp vợ chồng. Bác sĩ hỗ trợ sinh sản sẽ là người tư vấn cho bạn sau khi đã khám và xét nghiệm kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân gây vô sinh.
IVF thường được khuyến nghị cho trường hợp vô sinh phức tạp hơn, chẳng hạn như ống dẫn bị tắc, vô sinh do tình trạng tinh trùng nam giới nghiêm trọng hoặc tuổi của người mẹ cao. IUI, ngược lại, có thể là phương pháp phù hợp cho những trường hợp nguyên nhân vô sinh ít nghiêm trọng hoặc chưa rõ ràng.
Một yếu tố khác cần xem xét là tỷ lệ thành công của mỗi thủ thuật. IVF thường có tỷ lệ thành công cao hơn so với IUI, đặc biệt là ở những trường hợp vô sinh nghiêm trọng hơn. Thành công của IVF có thể thay đổi tùy thuộc vào yếu tố như tuổi, chất lượng trứng và tình huống cụ thể của từng người.
Giá cả cũng có thể là yếu tố cần xem xét. IVF thường đắt hơn so với IUI do sự phức tạp của thủ thuật và cần có các cơ sở phòng thí nghiệm. Có thể có sự khác biệt về bảo hiểm cho các liệu pháp vô sinh, vì vậy cần hiểu rõ về tác động tài chính khi tiến hành lựa chọn.
Cuối cùng, quyết định giữa IUI và IVF nên được đưa ra sau thảo luận với chuyên gia về vô sinh. Họ có thể đánh giá hoàn cảnh cụ thể của từng người, đưa ra lời khuyên cá nhân hóa và hỗ trợ trong suốt quá trình.