Khóc dạ đề là tình trạng hay gặp ở trẻ sơ sinh. Hiện tượng này thường khiến các bậc cha mẹ lo lắng và tìm cách giải quyết. Vậy trẻ khóc dạ đề là gì và làm sao để xử lý vấn đề này thì không phải bố mẹ nào cũng biết. Để giải đáp thắc mắc này, mời bạn cùng chúng tôi theo dõi bài viết ngay sau đây nhé!
1. Thế nào là khóc dạ đề?
Khóc dạ đề là hiện tượng quấy khóc nhiều giờ ở trẻ sơ sinh, trong giai đoạn từ 2-3 tuần đến 3 tháng tuổi, thường xuất hiện vào các buổi chiều, tối hoặc ban đêm. Trẻ sơ sinh bị khóc dạ đề thường có các biểu hiện như:
- Quấy khóc không rõ nguyên nhân, không đáp ứng với các biện pháp dỗ dành như cho bú, thay tã, ôm ấp,...
- Khóc to, dữ dội, có thể kèm theo co giật tay chân, đỏ mặt, vặn mình.
- Trẻ thường quấy khóc nhiều vào buổi tối, đặc biệt là sau khi ăn.
Trẻ khóc dạ đề nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của trẻ và cũng ảnh hưởng đến sức khỏe đời sống của các thành viên trong gia đình.
2. Quan niệm tâm linh về trẻ khóc dạ đề
Trong dân gian, có quan niệm cho rằng trẻ khóc dạ đề là do nguyên nhân tâm linh. Theo quan niệm này, trẻ khóc dạ đề có thể do:
- Trẻ sinh vào giờ xấu, ngày xấu, tháng xấu: Theo quan niện nhiều người, nếu trẻ sinh vào 1 trong 4 loại giờ dạ đề sau thì bé gặp vấn đề khóc dạ đề tâm linh: giờ Ngọ mùa xuân, giờ Dần mùa hạ, giờ Tý mùa thu, giờ Mão mùa đông.
- Một số người cho rằng trẻ khóc dạ đề là do bị ma quỷ nhập vào.
- Trẻ tiếp xúc với người có người thân mới mất hoặc người đó mới đi đám tang về.
- Ngôi nhà có phong thủy xấu sẽ thu hút các luồng khí xấu, khiến bé bị quấy khóc.
Để giải quyết tình trạng trẻ khóc dạ đề theo tâm linh, nhiều người thường áp dụng các biện pháp sau:
- Đốt vía: Người ta thường đốt vía cho bé bằng cách đốt một cục than củi, to bằng bao diêm đặt lên trên bếp rồi đốt cho cháy. Khi than cháy đỏ, người ta sẽ cầm cục than đi quanh giường bé, vừa đi vừa đọc thần chú.
- Đeo bùa hộ mệnh: Người ta thường đeo bùa hộ mệnh cho bé để giúp bé tránh khỏi các thế lực xấu xa.
- Đưa bé đi chùa để cầu an: Người ta thường đưa bé đi chùa để cầu an, mong cho bé được bình an và khỏe mạnh.
- Mẹ bế bé ra ngoài vào buổi tối phải đánh dấu và đem theo tỏi.
3. Nguyên nhân khoa học về khóc dạ đề
Theo các chuyên gia y tế, trẻ khóc dạ đề là một hiện tượng sinh lý bình thường, thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do:
- Trẻ đói bụng: Dung tích dạ dày của trẻ sơ sinh còn nhỏ nên cần ăn nhiều cữ trong ngày, mỗi cứ cách nhau 2 – 3 tiếng. Nếu trẻ không được bú đủ no, bé sẽ quấy khóc đòi ăn.
- Không dung nạp lactose: Lactose là một loại đường có trong sữa mẹ và sữa công thức. Một số trẻ có thể bị không dung nạp lactose, dẫn đến tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng, khó chịu và khóc.
- Tã ướt: Tã thấm hút kém hoặc không thường xuyên thay bỉm sẽ khiến bé khó chịu, thậm chí là cảm lạnh, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ vào ban đêm.
- Trẻ bị đau bụng: Trẻ sơ sinh có hệ tiêu hóa còn non nớt, dễ bị đau bụng do đầy hơi, táo bón, tiêu chảy,...
- Trẻ bị sốt, ốm: Khi trẻ bị sốt, ốm, bé sẽ quấy khóc nhiều do cơ thể mệt mỏi, khó chịu.
- Trẻ bị giật mình: Trẻ sơ sinh thường giật mình khi ngủ. Nguyên nhân có thể là do tiếng động, ánh sáng, hoặc do bé đang trong giai đoạn phát triển.
- Trẻ mắc một số bệnh lý như: Trong một số trường hợp, khóc dạ đề có thể là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như trào ngược dạ dày thực quản, dị ứng thực phẩm, nhiễm trùng tai giữa,...
Để khắc phục tình trạng khóc dạ đề ở trẻ, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp xử lý phù hợp. Nếu trẻ khóc dạ đề do các nguyên nhân sinh lý, cha mẹ có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Cho trẻ bú hoặc ăn dặm đầy đủ: Trẻ sơ sinh cần được ăn no để tránh bị đói và quấy khóc. Thay tã thường xuyên
- Massage bụng cho trẻ giúp cải thiện hệ tiêu hóa, giảm đau bụng.
- Tạo môi trường ngủ yên tĩnh cho trẻ, tránh tiếng động, ánh sáng,...
- Bổ sung men vi sinh giúp cân bằng hệ tiêu hóa , giảm thiểu tình trạng khó chịu, quấy khóc ở trẻ.
- Đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để khám và theo dõi nếu tình trạng khóc dạ đề kéo dài và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách xử lý khi trẻ khóc đêm.