MẸ BẦU HO CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN THAI NHI KHÔNG?

MẸ BẦU HO CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN THAI NHI KHÔNG?

Ho là triệu chứng thường gặp khi mang thai, đôi khi có thể trở nên dai dẳng hay thậm chí là ho mãn tính. Điều này khiến thai phụ khó chịu và lo lắng không biết liệu “Mẹ bầu ho có ảnh hưởng đến thai nhi không?”

 

1. Mẹ bầu ho do cảm lạnh thông thường có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Nếu bạn đang băn khoăn không biết mẹ bầu ho có ảnh hưởng đến thai nhi không nếu nguyên nhân gây ho là do cảm lạnh, ngứa họng, khô cổ họng… thì đây là câu trả lời bạn cần tìm.

Theo các chuyên gia, một cơn ho nhẹ do kích thích tại vùng hầu họng hay ho do cảm lạnh thông thường sẽ không gây rủi ro cho em bé trong bụng mẹ.

Lý giải về điều này, các chuyên gia y tế cho rằng, những loại virus gây cảm lạnh thông thường sẽ không ảnh hưởng đến thai nhi (nhưng lại gây phiền nhiễu cho người mẹ). Em bé trong bụng mẹ được bảo vệ bên trong cơ tử cung và được bao quanh bởi nước ối. Những yếu tố này hoạt động như một tấm đệm giảm xóc chống lại các chuyển động liên quan đến ho. Vì vậy, khi bụng của mẹ bầu di chuyển lên xuống trong quá trình ho, em bé sẽ hoàn toàn ổn và dường như không cảm nhận được sự chuyển động này.

Do đó, phụ nữ mang thai có thể yên tâm rằng là: Bản thân hành động ho do cảm lạnh thông thường hay kích ứng cổ họng sẽ không ảnh hưởng đến thai nhi, chỉ cần mẹ bầu điều trị cảm lạnh theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

2. Mẹ bầu ho do bệnh nghiêm trọng có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Mặc dù những cơn ho nhẹ do cảm lạnh thông thường hoặc ngứa rát cổ họng sẽ không ảnh hưởng đến thai nhi, nhưng những cơn ho nặng hơn do một số nguyên nhân nghiêm trọng tiềm ẩn gây ho có thể gây hại cho em bé, chẳng hạn như:

  • Ho do nhiễm trùng: Các cơn ho do nhiễm trùng nghiêm trọng như rubella, parvovirus, coronavirus, cúm… ở mẹ bầu có thể gây hại cho cả mẹ lẫn em bé. Nếu những bệnh này không được điều trị, nhiễm trùng có thể lan rộng khắp cơ thể. Tình trạng nhiễm trùng thai kỳ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, cân nặng khi sinh và những bất thường về sinh lý ở em bé. Hơn nữa, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), phụ nữ mang thai có nguy cơ cao phát triển các biến chứng nghiêm trọng của các bệnh do virus gây ho như COVID-19 và cúm.
  • Ho do hen suyễn: Nếu ho do hen suyễn và thai phụ không nhận đủ oxy, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến em bé.
  • Ho gà: Nếu phụ nữ mang thai bị ho gà, trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ nhiễm bệnh này từ mẹ. Trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương do ho gà gây ra.
  • Ho do viêm phổi, viêm phế quản: Ho nặng do viêm phổi có thể làm trầm trọng thêm quá trình chuyển dạ ở những người đã có nguy cơ sinh non.

Do đó, lời khuyên dành cho bà bầu bị ho là hãy đi khám khi ho hoặc nếu có dấu hiệu của bệnh về đường hô hấp. Bác sĩ sẽ giúp mẹ chẩn đoán nguyên nhân gây ho và đưa ra phương hướng điều trị phù hợp. Đặc biệt, nếu bà bầu bị ho kèm sốt, nhất là trong thời kỳ đầu mang thai, thì nên đi khám vì đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc căn bệnh tiềm ẩn nào đó có thể gây hại cho em bé đang phát triển trong bụng mẹ.

3. Mẹ bầu ho nhiều có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Mẹ bầu ho nhiều về đêm chữa như thế nào?

Không ít người cho rằng những cơn ho dai dẳng, ho mạnh có thể dẫn đến những cơn gò tử cung, gây động thai sớm hay thậm chí là dọa sinh non, nhất là trong giai đoạn thai gần đủ tháng. Thực hư điều này thế nào?

Như đã đề cập, một số nguyên nhân gây ho kéo dài có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi, nhưng bản thân cơn ho dai dẳng không gây ảnh hưởng đến em bé trong bụng mẹ.

Mặc dù vậy, phụ nữ mang thai nên lưu ý một số vấn đề sau liên quan đến cơn ho dai dẳng trong thai kỳ:

  • Cơn ho dữ dội có thể gây đau bụng và căng dây chằng tròn: Cơn ho dữ dội không gây co bóp tử cung, cũng không đẩy nhau thai ra ngoài và không gây ra bất kỳ tổn hại về thể chất nào cho mẹ và bé.
  • Ho thường xuyên có thể ảnh hưởng tâm sinh lý: Những bà bầu bị ho nặng, ho dai dẳng thường cảm thấy căng thẳng, lo lắng rằng cơn ho sẽ gây hại cho em bé hoặc đó là dấu hiệu cảnh báo một căn bệnh nghiêm trọng. Điều này trong một số trường hợp sẽ gây căng thẳng cả về tâm lý và sinh lý cho mẹ bầu. Khi cơ thể bị căng thẳng, hormone cortisol sẽ được giải phóng. Loại hormone này có thể vượt qua hàng rào nhau thai và tác động tiêu cực đến thai nhi đang phát triển. Trẻ sinh ra từ những bà bầu bị căng thẳng cực độ, lo lắng hoặc chấn thương tâm lý có thể gặp các vấn đề về thể chất, nhẹ cân. Do đó, nếu cơn ho khiến mẹ bầu căng thẳng quá mức, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ sản khoa hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần chuyên về phụ nữ mang thai.
  • Ho dai dẳng có thể ảnh hưởng đến dinh dưỡng của thai phụ và thai nhi: Một cơn ho dữ dội thường khiến mẹ bầu cảm thấy khó chịu, lo lắng và do đó khó có thể ăn uống đầy đủ chất. Những cơn ho kèm theo sốt có thể khiến bà bầu chán ăn, bỏ bữa. Điều này có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe mẹ và em bé.
  • Nguồn tham khảo

 

← Bài trước Bài sau →